Phục hồi bình điện xe nâng châm nhầm cồn 70 độ – Nhật ký 25/03/2022

Phục hồi bình điện xe nâng châm nhầm cồn 70 độ – Nhật ký 25/03/2022

“Bé cái nhầm” là chuyện câu chuyện vốn không hề hi hữu, nó có thể xảy ra với bạn, với tôi, với tất cả mọi người trong tất cả mọi lĩnh vực. Đôi khi chỉ vì một chút bất cẩn vô tình mà chúng ta làm nên những câu chuyện nhầm lẫn. Có những cái kết thiệt có hậu như câu chuyện trao nhầm con ở Bình Phước, nhưng cũng có những cái kết không hề có hậu như câu chuyện châm nhầm cồn 70 độ vào bình điện xe nâng của khách hàng chúng tôi hôm nay.

Bé cái nhầm: Châm nhầm cồn 70 độ cho bình điện xe nâng

Ca hôm nay của chúng tôi là phục hồi bình điện xe nâng cho khách hàng vì lỡ châm nhầm cồn 70 độ.

Như tất cả chúng ta đều biết là mức dung dịch bên trong bình điện xe nâng sau một thời gian sử dụng sẽ bị bốc hơi. Khi đó chúng ta cần phải châm thêm vì nếu mức dung dịch thấp hơn vạch quy định trong bình sẽ dẫn đễn tình trạng bình mất đi khả năng tích điện và giảm tuổi thọ của bình. Loại nước để châm cho bình điện xe nâng phải là loại nước cất tinh khiết không lẫn tạp chất. Nếu chúng ta dùng các loại nước thông thường như nước máy để châm bình thì những vi chất trong nước máy sẽ gây ra các phản ứng hóa học không mong muốn bên trong môi trường axit và sẽ làm bình bị xuống cấp nghiêm trọng.

Nhưng khách hàng của chúng tôi vì nhầm lẫn mà đã châm cồn 70 độ cho bình điện xe nâng của mình thay vì phải châm nước cất và hậu quả của việc nhầm lẫn này là khách phải nhờ đến đơn vị kỹ thuật chúng tôi phục hồi bình điện xe nâng.

Nước cất và cồn đều là những dung dịch trong suốt, rất có thể sẽ bị nhầm lẫn. Vì thế chúng ta nên có nhãn mác ghi chú bên ngoài mỗi bình để tránh ra những sự cố nhầm lẫn như khách hàng hôm nay bạn nhé! Và không chỉ có cồn hoặc nước cất mà chúng ta nên tập thói quen ghi chú lên mỗi loại dung dịch có trong nhà hoặc kho xưởng. Đối với bình điện xe nâng thì chúng ta có thể phục hồi lại. Nhưng có những sự nhầm lẫn không thể quay đầu như trường hợp bà nội đã cho cháu bé dưới một tuổi uống nhầm xăng thơm và đau lòng thay bé đã không qua khỏi.

Công việc phục hồi bình điện xe nâng cho khách của chúng tôi hôm nay diễn ra như sau:

Phục hồi bình điện
Phục hồi bình điện

-Trước tiên trong quy trình phục hồi bình điện là chúng tôi sẽ kiểm tra các hộc (hay còn thường được gọi là cell), nếu cái nào bị hư thì sẽ được thay bằng một cái mới có chất lượng tương đương.

-Kế đến chúng tôi sẽ kiểm tra nồng độ axit trong bình và sẽ châm thêm axit để cân bằng nồng độ axit trong bình nếu cần.

-Bước tiếp theo là chúng tôi sẽ kiểm tra các cọc bình điện. Nếu các cọc này bị gãy hoặc lỏng thì chúng tôi sẽ hàn lại cho chắc chắn.

-Bước thứ tư là kiểm tra các vỏ hộc bình, nếu nó bị thủng thì chúng tôi sẽ hàn lại hoặc tình trạng nặng không thể hàn thì phải thay cái mới.

-Cuối cùng là chúng tôi cho tiến hành sạc bình điện và xả bình điện để kết thúc quy trình phục hồi bình điện.

Công việc phục hồi bình điện xe nâng của chúng tôi đã kết thúc. Tình trạng sau khi phục hồi bình điện tất nhiên sẽ không có chất lượng đạt được 100% như bình mới ban đầu. Nhưng cũng đạt được chất lượng từ 50% đến 85%. Trong trường hợp của khách hàng chúng tôi hôm nay thay vì phải thay bình mới, việc phục hồi bình điện xe nâng sẽ giúp họ tiết kiệm được chi phí mà độ bền của bình vẫn được đảm bảo tốt nhất.

Ngoài trường hợp hi hữu của khách hàng chúng tôi hôm nay, nếu các bạn đang sử dụng xe nâng điện và gặp các trường hợp hư hỏng sau đây của bình điện xe nâng thì hãy liên hệ với chúng tôi để được sửa chữa và phục hồi bình điện nhé:

Bình điện xe nâng của bạn cần phục hồi bình điện xe nâng, sửa chữa bình điện xe nâng khi:

Bình điện xe nâng của bạn không giữ được điện: thông thường thì sau khi nạp đầy điện, bình điện xe nâng có thể cung cấp năng lượng cho xe nâng điện hoạt động từ 6 giờ đến 8 giờ. Nhưng hiện nay thì bình điện của bạn chỉ có thể  cung cấp điện năng cho xe nâng điện hoạt động trong 1 đến 2 giờ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, có thể là do bình bị chập mạch bên trong hoặc chất lượng của bình kém, vật liệu không đạt yêu cầu.

Bình điện xe nâng bị sulphat hóa: Khi bạn sạc bình thấy tình trạng bình bị sôi, nóng và bốc mùi khó chịu, bản cực và tấm ngăn của bình có nhiều đốm trắng, điện phóng hết một cách nhanh chóng hoặc không phóng điện được.

Nguyên nhân của tình trạng này là do chúng ta không thường xuyên kiểm tra mức dung dịch trong bình làm nó cạn dưới mực quy định làm nhô lên các bản cực dẫn đến tình trạng bị sulphat hóa.

Bản cực của bình bị cong vênh: tình trạng bản cực của bình điện xe nâng bị cong vênh xảy ra khi đội lên ở phía bản cực dương. Nguyên nhân khiến bản cực bị cong vênh là do bình được nạp với một dòng điện quá lớn hoặc thời gian nạp điện quá lâu khiến cho nồng độ dung dịch trong bình bị tăng cao làm giảm đi độ bền vốn có của bản cực.

-Khi bình điện xe nâng của bạn bị hư 1 hoặc 2, 3 hộc (hay còn được gọi là cell).

Nồng độ axit của bình không đạt: chỉ có các nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp mới nắm rõ được nồng độ axit trong bình có đạt yêu cầu hay không? Vì thế bạn không nên tự ý châm thêm axit vào bình mà hãy nhờ đến các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật nhé!

-Khi các thanh chì hoặc dây đồng kết  nối các hộc trong bình điện bị gãy hoặc đứt.

-Khi dây nguồn của bình điện xe nâng bị đứt.

-Khi các hộc của bình điện xe nâng bị thủng làm cho dung dịch bên trong hộc bị chảy ra ngoài.

-Khi bạn ngửi được mùi hôi từ bình điện và đồng thời thấy bình điện dễ sôi hoặc nhanh nóng khi sạc hoặc khi sử dụng.

Đó là những vấn đề bạn nên tìm đến đơn vị phục hồi bình điện xe nâng.

Khi bình điện xe nâng của bạn gặp những vấn đề trên thì bạn hãy liên hệ với team kỹ thuật của Xe Nâng Việt Cường chúng tôi để được hỗ trợ kỹ thuật bạn nhé!

Khu vườn nhỏ giữa lòng thành phố lớn

Bây giờ đã sắp 6 giờ tối rồi. Các bạn trong nhóm đã về, chỉ còn lại tôi và chú P ở lại công ty. Chú P đang loay hoay trong bếp chuẩn bị bữa cơm tối. Tôi cùng Phèn Anh và Phèn Em ra thăm khu vườn nhỏ nằm trong một góc sân của xưởng. Ngoài kia đang là giờ tan làm, những chiếc xe nối đuôi nhau nhích từng bước chậm trên đường. Tiếng còi xe, mùi khói xe và bụi đường hòa lẫn trong những gương mặt mệt mỏi vì chờ đợi. Chỉ cách một bức tường thôi, bên trong đây là khu vườn nhỏ và thế giới của riêng chúng tôi. Tôi lấy kéo cắt mấy nhánh hồng leo sắp tàn. Mới hồi sáng thôi khóm hồng của tôi còn tưng bừng khoe sắc mà chỉ sau một cơn mưa hồi trưa thì mấy nhánh hồng bị sà xuống, cánh hồng rụng rơi tơi tả. May mà lúc sáng tôi đã kịp lấy điện thoại lưu lại khoảnh khắc đẹp của hồng. Hôm trước Tết tôi có dịp đi công tác, ghé nghỉ chân ở một quán cà phê ven đường. Thấy chậu hồng đẹp quá tôi xin cô chủ quán một nhánh về trồng thử. Cây bén rễ rồi lớn nhanh như thổi, thân dài đến gần cả mét. Loại hồng này cánh nhỏ nhưng hoa rất to và không hương. Thân của nó dài và mềm có thể làm dây leo thả hàng rào nên được gọi tên là hồng leo. Nhưng thân của nó có nhiều gai lắm nên tôi không có ý định cho nó leo. Nhánh nào trổ hoa xong vừa tàn là tôi cắt sát gốc, gọi là đôn nhánh cho nó không lên cao được. Tôi đặc biệt thích loài hoa hồng này là vì màu hồng xác pháo tươi tắn của nó.

Bên cạnh chậu hồng là cây ổi của chú P. Ổi trồng trong chậu không đủ đất nên không được xum  xuê như ổi ở vườn, trái cho cũng nhỏ hơn nhưng được cái rất ngọt và chắc thịt. Mấy cậu trong xưởng của tôi ai cũng mê bạn ổi này.

Sau lưng bạn ổi là bạn tắc (hay còn được gọi là cây hạnh). Cây này tôi lấy giống từ vườn của Ba Má mang lên. Loài tắc rất dễ trồng và cũng chịu râm tốt. Trái tắc thu hoạch được chúng tôi pha nước uống hoặc để nấu canh chua, nấu lẩu không cần phải mua ở chợ, vừa ngon vừa sạch.

Trong vườn còn có dậu mồng tơi, chậu rau ngót, rau sam, rau dền và mấy loại cây gia vị như gừng, sả… rau thơm như quế, ngò gai… Tuần trước tôi mới bón phân hữu cơ cho cả đội nên hôm nay mấy bạn cỏ cũng ăn theo mọc lên khắp nơi. Cắt xong mấy nhánh hồng tôi ngồi xuống nhổ cỏ. Cỏ ăn phân dữ lắm! Kinh nghiệm cho tôi biết là chỗ nào có cỏ là chỗ đó đất tốt. Chứ đất mà cỏ mọc không lên thì trồng cây hổng có tốt được đâu.

Trong lúc tôi làm cỏ thì Phèn Em xục xạo mấy chậu cây tìm thức ăn, còn Phèn Anh thì không thích lắm mấy trò đó của Phèn Em (vì ẻm sợ chuột mà! Lỡ xục xạo gặp được một bạn chuột cống thì ẻm có mà xỉu haha…). Phèn Anh chỉ nằm ở một góc sân chờ tôi và Phèn Em mà thôi.

Và đã 7 giờ tối! Giờ ăn đến rồi!

Nghe tiếng chú P dọn chén, Phèn Anh đứng lên sủa vài tiếng nhỏ ý kêu tôi vào ăn cơm. Tôi đứng dậy xoa đầu nó, đến chỗ vòi nước ở trước sân rửa sạch tay chân rồi kêu hai đứa vào nhà.

Ngoài kia phố xá đã lên đèn. Cuộc sống của một Sài Gòn về đêm cũng bắt đầu. Giữa một Sài Gòn sôi động và ồn ào, may mắn thay chúng tôi vẫn còn có một không gian yên tĩnh nơi khu vườn nhỏ, níu giữ chút hồn quê!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *