Sửa bố thắng xe nâng điện đứng lái Toyota ở KCN Tân Phú Trung Củ Chi – 20/04/2022

SỬA BỐ THẮNG XE NÂNG ĐIỆN ĐỨNG LÁI TOYOTA – CANH AXIT BÌNH ĐIỆN XE NÂNG TCM Ở KCN TÂN PHÚ TRUNG, CỦ CHI – NHẬT KÝ XE NÂNG NGÀY 20/04/2022

Hôm nay chúng tôi lại có dịp về với Củ Chi – vùng đất thép anh hùng. Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp về với mảnh đất gắn liền với nhiều kỷ niệm thời sinh viên này. Thỉnh thoảng đi công tác Tây Ninh, tôi có đi ngang qua Củ Chi, nhưng để được đi thực sự trên những cung đường của vùng đất thép một thời thì đã hơn 20 mươi năm rồi tôi mới trở lại. Hôm nay đã là cuối tháng ba, một vài cành phượng đã nở hoa đỏ thắm, tiếng ve đã râm ran đâu đó báo hiệu hè về. Kỷ niệm về một thời sinh viên tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa Hè Xanh trở về với tôi theo từng vòng quay của bánh xe hôm nay.

Ca hôm nay của chúng tôi là làm bố thắng cho xe nâng điện đứng lái Toyota và canh axit cho bình điện xe nâng TCM. Tôi và K đang trên đường làm nhiệm vụ. Chú P hôm trước không may gặp phải một sự cố va chạm nhẹ trên đường đi công tác nên hôm nay phải ở nhà nghỉ ngơi. 8 giờ rưỡi sáng chúng tôi đã có mặt tại địa điểm và bắt tay ngay vào công việc. Trước tiên là sẽ thực hiện ca làm bố thắng.

Sửa bố thắng xe nâng điện đứng lái Toyota

Sửa bố thắng xe nâng Toyota
Xe nâng điện đứng lái Toyota

Bố thắng xe nâng là một bộ phận thuộc hệ thống thắng của xe nâng điện giúp xe có thể dừng lại một cách dễ dàng khi người lái cần. Vì là một bộ phận thuộc hệ thống an toàn nên bố thắng xe nâng cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng với xe. Do đặc thù của xe nâng nói chung và xe nâng điện nói riêng là phải mang một tải trọng lớn hàng hóa khi làm việc vì thế mà lực quán tính khi thắng xe là rất lớn. Bố thắng xe nâng và hệ thống thắng xe nâng vì thế cũng phải thật đạt chuẩn để đảm bảo được sự an toàn cho xe nâng điện khi vận hành.

Sửa bố thắng xe nâng Toyota
Sửa bố thắng xe nâng Toyota
Sửa bố thắng xe nâng Toyota
Sửa bố thắng xe nâng Toyota
Sửa bố thắng xe nâng Toyota
Sửa bố thắng xe nâng Toyota
Sửa bố thắng xe nâng Toyota
Sửa bố thắng xe nâng Toyota

Phải chịu một lực ma sát lớn khi thắng xe nên bố thắng xe nâng là một trong những bộ phận hao mòn rất nhanh của hệ thống thắng xe nâng điện. Khi bố thắng xe nâng bị mòn thì khả năng giảm tốc để xe nâng điện dừng lại không thực sự tốt, có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc khi xe nâng gặp sự cố khẩn cấp. Để bảo vệ an toàn cho xe nâng điện cũng như người lái xe nâng điện, chúng ta cần kiểm tra bố thắng xe nâng cũng như hệ thống thắng xe định kỳ hằng tháng. Để kịp thời thay thế hoặc sửa chữa nếu bố thắng xe nâng có dấu hiệu hao mòn, hư hỏng.

Việc sửa bố thắng xe nâng điện đứng lái Toyota tại KCN Phú Trung sáng nay của chúng tôi diễn ra một cách thuận lợi. Chúng tôi nhanh chóng kết thúc công việc và chuẩn bị canh axit cho chiếc xe nâng điện TCM đang đứng đợi nãy giờ.

Canh axit cho bình điện xe nâng TCM

Axit là thành phần rất quan trọng đối với bình điện xe nâng axit chì, nó chính là thành phần có khả năng tạo ra điện và phân cực cho bình ắc quy. Thông thường thì với một bình điện xe nâng mới được đưa vào sử dụng lần đầu sẽ được các nhân viên kỹ thuật của đơn vị phân phối châm đầy đủ với tỷ trọng phù hợp. Nhưng trong quá trình sử dụng lâu ngày, khi mức dung dịch trong bình bị bốc hơi cạn, người sử dụng sẽ châm thêm nước cất. Lượng nước cất đôi khi châm quá vạch quy định sẽ làm tràn ra ngoài, vô tình làm lượng axit chuẩn trong bình cũng bị tràn theo, làm nồng độ axit còn lại trong bình bị hao hụt. Hoặc đôi khi vì một sự cố nào đó làm bình bị nóng, sôi trong quá trình sạc điện, dung dịch bên trong bình bị trào ra ngoài kéo theo lượng axit trong bình làm nồng độ axit trong bình bị giảm đi và lúc đó chúng ta cần phải nhờ đến đơn vị kỹ thuật hỗ trợ châm thêm axit cho bình.

Canh axit bình điện
Canh axit bình điện xe nâng TCM đứng lái
Canh axit bình điện
Canh axit bình điện

Còn có thêm một lí do nữa khiến cho nồng độ axit trong bình bị thay đổi đó là khi khách mua loại nước cất có pha thêm 5% axit để châm cho bình. Trên nhiều trang tin mạng vẫn quảng bá rằng việc sử dụng nước cất có pha thêm axit sẽ giúp cho bình phóng điện mạnh hơn. Thực hư của việc này như thế nào thì chúng tôi sẽ trình bày trong phần tiếp theo dưới đây của nhật ký Xe Nâng Việt Cường để các bạn cùng tìm hiểu thêm, nhưng việc châm nước cất có pha thêm axit vào bình sẽ làm nồng độ axit trong bình lên cao quá quy định, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ của bình và lúc này bạn phải cần nhờ đến đơn vị kỹ thuật như Xe Nâng Việt Cường chúng tôi để canh giảm nồng độ axit trong bình xuống.

Việc kiểm tra nồng độ axit trong bình thường sẽ được thực hiện bằng một tỷ trọng kế. Thiết bị này sẽ hỗ trợ cho các nhân viên kỹ thuật của chúng tôi xác định được nồng độ axit trong bình một cách nhanh chóng, từ đó sẽ giúp khách tăng hoặc giảm thêm nồng độ axit cho phù hợp.

Nhân đây chúng tôi cũng xin được có câu trả lời chung cho các câu hỏi về nước cất và axit của bình ắc quy xe nâng mà các bạn thường đặt ra cho team kỹ thuật Xe Nâng Việt Cường chúng tôi:

Vì sao mực nước dung dịch trong bình ắc quy lại bị cạn đi?

Là do trong quá trình sử dụng, sau khi bình đã được nạp đầy điện thì nước (H2O) trong bình sẽ bị điện phân thành H2 và O2 thoát ra ngoài. Hoặc do bình quá nóng cũng làm nước bị bốc hơi, lâu ngày dần làm mực dung dịch trong bình bị vơi đi.

Vì sao chúng ta không tự châm thêm axit vào bình điện xe nâng mà phải nhờ đến đơn vị kỹ thuật hỗ trợ?

Vì chỉ có các nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp mới nắm rõ được nồng độ chuẩn của axit trong bình và bổ sung hoặc gia giảm cho phù hợp. Chúng ta chỉ nên châm thêm nước cất đến đúng vạch quy định trong bình khi thấy mức dung dịch bị hao hụt, không nên tự ý châm thêm axit vì sẽ có khả năng sẽ làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của bình.

Châm nước cất bình điện
Châm nước cất bình điện- Nắp phao bình điện nhô lên chứng tỏ mức dung dịch trong hộc bình đã đầy
Nắp phao chưa nhô lên thì chứng tỏ mức dung dịch trong hộc bình vẫn chưa đủ

Nồng độ axit cao hoặc thấp ảnh hưởng thế nào đến bình điện xe nâng?

Nếu nồng độ axit hoặc nói cách khác là tỷ trọng axit đối với nước cất trong bình thấp hơn mức quy định sẽ làm giảm khả năng tích điện và phóng điện của bình.

Nếu nồng độ axit trong bình quá cao sẽ làm bột chì trong bình nhanh chóng bị tan rã.

Cả hai trường hợp trên đều ảnh hưởng không tốt đến tuổi thọ của bình điện xe nâng.

Tại sao chỉ nên châm thêm nước cất vào bình ắc quy xe nâng mà không tự ý châm thêm axit?

Châm nước cất bình điện
Châm nước cất bình điện

Khi lượng nước trong bình bị bốc hơi đi, mực dung dịch trong bình bị cạn xuống dần làm tỷ trọng giữa axit và nước cất trong bình tăng lên. Nếu chúng ta không châm thêm nước cất thì nồng độ axit cao trong bình sẽ làm bột của các tấm chì bị rã nhanh chóng, ảnh hưởng xấu đến tuổi thọ của bình ắc quy xe nâng. Nồng độ axit trong bình đã được cân đối từ ban đầu. Nếu chúng ta châm thêm axit vào bình thay vì châm thêm nước cất khi mực dung dịch cạn hơn mức quy định sẽ làm nồng độ axit càng cao hơn, bình sẽ nhanh chóng bị hư hỏng.

Chất lượng của nước cất ảnh hưởng thế nào đến tuổi thọ của bình ắc quy xe nâng?

Nước cất dùng để châm cho bình điện xe nâng nên là loại nước cất tinh khiết được chưng cất một lần. Nếu chúng ta sử dụng nước cất có lẫn tạp chất sẽ làm ảnh hưởng đến các điện cực của bình.

Sử dụng nước cất có pha thêm axit sẽ làm tăng khả năng phóng điện của bình điện xe nâng có đúng không?

Khi nồng độ axit trong dung dịch của bình tăng thì điện áp của bình cũng sẽ tăng theo.

Chúng ta có công thức Vôn/ngăn = tỷ trọng axit + 0.84.

Thông thường thì tỷ trọng của axit trong mức dung dịch của bình ắc quy xe nâng là 1.28. Nếu chúng ta cho thêm axit vào nước cất châm bình sẽ làm cho tỷ trọng này tăng lên, từ đó mà điện áp của bình cũng tăng. Nhưng điện áp trong bình tăng lên không có nghĩa là bình sẽ phóng điện mạnh hơn vì chất lượng của bình điện xe nâng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên việc tỷ trọng dung dịch trong bình bị tăng vượt quá mức quy chuẩn sẽ làm nhanh chóng tan rã các tấm chì bên trong bình, làm bình bị hư hỏng nhanh chóng nhé bạn!

Trở về với ký ức của Mùa Hè Xanh – Kỷ niệm của một thời thanh xuân

Kết thúc công việc tại KCN Tân Phú Trung xong, chúng tôi quay trở về công ty. Nhìn khung cảnh Củ Chi qua cửa kính xe, những ký ức đẹp về một thời sinh viên buổi sáng trở lại trong tôi. Tôi mở điện thoại tìm nghe bài hát Mùa Hè Xanh của nhạc sỹ Vũ Hoàng:

“Tựa đàn chim tung bay trên những nhịp cầu tre

Mùa hè xanh xôn xao bước chân ta về

Đường làng quê tiếng ve như gọi mời say mê

Ngoài bờ đê có con trâu già ngủ mê

Mùa hè xanh long lanh trong mắt đàn trẻ thơ

Trường làng vui cho em trang sách mới I tờ

Từ đồng sâu có hay những giọt mồ hôi rơi

Để màu xanh vút lên trên ruộng đồng ngát hương

Mùa hè xanh! Mùa hè xanh!

Bao yêu thương ơi mùa hè xanh vấn vương

Đi muôn phương lưu luyến tình quê hương

Trong tim ta ơi mùa hè xanh thiết tha

Vang câu ca trên những chặng đường xa”

Ngày ấy chúng tôi đã cùng nhau nắm tay hát vang bài ca này. Tiếng ca của chúng tôi vang lên trên sân nhà Văn Hóa Thanh Niên – nơi tất cả các bạn sinh viên của cả Thành Phố tập hợp lại trước khi lên đường, vang lên trên những chuyến xe đưa chúng tôi rời xa thành phố về với đồng xanh, với các em thơ, vang lên trên những con đường quê chúng tôi đến, trên những cánh đồng, những ngôi trường…

Đi đâu chúng tôi cũng có thể hát, hát một cách say mê và các em nhỏ cũng như các bạn thanh niên ở địa phương cũng hát hòa theo chúng tôi. Ngày ấy tôi cùng các bạn sinh viên trường Đại học Ngoại thương được phân công về Bình Mỹ, Củ Chi. Chúng tôi sẽ ở lại nhà dân, mọi chi phí sinh hoạt ăn uống chúng tôi sẽ tự đóng góp cho chủ nhà. Nhưng các cô chú thương tụi nhỏ sinh viên, có mấy ai nỡ lấy tiền của tụi nhỏ đâu, tụi nó thấy thương quá mà…

Chúng tôi sẽ nắm bắt danh sách các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đến trường và vận động các em đến lớp để dạy. “Anh ơi! Hết tháng hè này rồi mấy anh chị có quay lại dạy em học nữa không? Năm nào cũng có các anh chị đến dạy. Dạy em hết bảng chữ cái thì anh chị đi. Rồi năm sau lại có anh chị khác về, lại ôn cho em bảng chữ cái rồi lại đi. Em học 3 năm rồi mà chỉ thuộc có bảng chữ cái!”. Đó là câu hỏi tôi nhận được trong buổi chiều đầu tiên ra quân về ấp 2 xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi. Biết trả lời sao với em đây???

Ban ngày chúng tôi sẽ đi làm vệ sinh các con đường trong thôn xóm, tổ chức cho các em nhỏ chơi các trò chơi tập thể. Tối đến chúng tôi sẽ đến nhà dân vận động và tuyên truyền phong trào kế hoạch hóa gia đình. (Ngày đó nước mình vẫn còn khẩu hiệu:”Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ!” mà. Chứ như bây giờ thì sinh con ba còn được thưởng…) Cái thằng tui hồi đó đến tay bạn gái còn chưa được nắm, mặc dù đã được tập huấn kiến thức kỹ càng nhưng gặp các anh chị hỏi mấy câu cắc cớ về sinh nở làm tôi đỏ bừng hết mặt mũi!

Rất nhiều kỷ niệm đẹp nữa của chúng tôi trong chuyến đi năm ấy: những người bạn dễ thương, anh bí thư đoàn dễ mến, cô bạn cùng nhóm và những tâm sự về ước mơ của một thời tuổi trẻ…

Thanh xuân của chúng ta chỉ có một lần. Chúng tôi ngày ấy cũng đã có một thanh xuân đầy nhiệt huyết. Đã hơn 20 năm trôi qua, mảnh đất và người dân Bình Mỹ – Củ Chi cũng đã trở thành một phần thanh xuân của tôi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *