Khi tiết trời chuyển sang se lạnh, khi gió mùa Đông Bắc thổi về. Khi ngoài vườn ngọn rau muống vươn lên non nhuốt, mấy cây chanh, cây mít thi nhau đâm chồi. Ngoài ruộng, đồng đã được dọn xong, chuẩn bị xuống giống. Tôi cảm nhận cái Tết đã sắp về với chúng tôi rồi.

Thực ra thì cũng không cần chờ đến mùa gió chướng đâu, người dân quê tôi đã cảm nhận được vị Tết từ những ngày đầu tháng Mười âm lịch rồi. Khi cuối tháng chín, nước lũ vừa rút là ngoài sông vang lên tiếng rao bán cây giống. Nào là bầu, mướp, khổ qua, cải làm dưa đến các loại hoa chưng Tết như vạn thọ, mào gà, cúc đồng tiền, hướng dương… Khổ qua, cải làm dưa xuống giống lúc này để vừa kịp phiên chợ Tết, vạn thọ, cúc sẽ nở hoa kịp đón giao thừa. Các gian hàng ngoài chợ đã đầy ắp các loại quần áo, vải vóc. Bánh mứt chưng Tết đã dần về đầy kệ.
Ngoài đồng í ới tiếng hỏi thăm nhau:”Thằng Năm con anh chị Tết này có về không?”. Câu chuyện về “Tết năm trước” và dự tính cho “Tết năm nay” đã râm ran trên bàn trà của các chú buổi sáng, của các cô lúc thăm đồng buổi chiều. Mấy chị thì ngồi nhẩm tính coi con heo nhà mình có kịp xuất chuồng trước Tết để sắm sửa thêm vài bộ đồ mới cho tụi nhỏ với anh nhà không?
Sau những tháng mưa dầm thì nay trời đã nắng. Đất khô ráo rồi thì buổi chiều sau khi việc ngoài đồng xong, ba sẽ tranh thủ về sớm rồi kêu mấy chị em tôi xúm nhau dọn cỏ trước sân nhà cho sạch sẽ. Ba sẽ cắt tỉa mấy chậu mai kiến thủy được truyền lại từ đời ông cố của tôi. Thằng Út em tôi sẽ uốn lại hàng mai 7 cây bên hông nhà để Tết này trổ bông cho đẹp. Nó chọn đúng 7 cây theo câu tục ngữ:”Ba chìm, bảy nổi…”. Mong là cây sẽ mang lại phong thủy tốt đẹp cho cả nhà.
Lúa ngoài đồng đã lên xanh, bầu đã bén giàn, vạn thọ đã xanh um… Nhưng gió bấc vẫn còn nên mấy cái cây trong vườn vẫn chưa chịu đâm chồi biếc. Đợi đến tháng Chạp ta, gió chướng về thì cây cối mới thật sự chuyển mình đón xuân. Gió chướng hay còn có tên gọi là gió mùa Đông Bắc, nhưng người dân Nam Bộ quê tôi vẫn quen gọi là mùa gió chướng. Mùa gió chướng thường bắt đầu từ tháng Chạp âm lịch đến tháng Tư năm sau. Gió chướng về có thể kéo theo hạn mặn nhưng đồng thời cũng giúp cây cối đâm chồi tươi hơn. Má tôi vẫn dặn thằng Út chờ có gió chướng rồi rải ba hột phân cho mấy cây mít nó mừng mà mau trổ nụ.

Không khí xuân đã lan tràn trên đồng và ngoài xóm chợ nhưng đến ngày rằm tháng Chạp thì Tết mới thực sự len bước đến sân nhà. Vào ngày này cả xóm tôi sẽ xúm nhau lặt lá mai. Mọi việc trong nhà hay ngoài đồng đều được gác lại, con cháu trong nhà xúm nhau ra lặt lá. Cây mai mỗi năm phải được thay lá một lần thì mới mau lớn và phải được lặt trước giao thừa từ 12 đến 15 ngày thì hoa mới nở đẹp đúng ngày nên trong ba ngày từ rằm đến 17 phải tranh thủ lặt cho xong.
Mấy năm gần đây nghề chơi mai kiểng ở quê tôi phát triển lắm. Thương lái đi lùng mua mai mỗi ngày. Một gốc mai đẹp và lạ có thể bán kiếm được vài trăm triệu nên gần như nhà nào cũng có một vườn mai trước nhà để dành dưỡng già. Mai mọc ngoài vườn đem bứng vô trồng trước sân rồi rảnh rỗi thì tưới nước, tỉa cành. Cứ để đó vài chục năm sau biết đâu có giá. Mai được trồng nhiều nên lặt lá mai ngày giáp Tết trở thành một cái nghề mới ở quê tôi. Mỗi tiếng lặt lá được trả công 20 ngàn đồng. Một người trung bình mỗi ngày lặt được từ 8 đến 10 tiếng. Cả gia đình kéo nhau đi lặt lá thuê trong vài ngày thì cũng kiếm được tiền triệu ăn Tết.
Hồi tôi còn nhỏ thì sau khi lặt lá mai xong là đến lúc tráng bánh ăn Tết. Nhưng giờ thì đã có lò sản xuất bánh bằng máy rồi nên không còn ai tự tráng nữa. Tráng bánh cũng là một nét đẹp ngày Tết ở quê tôi và là một trong những kỷ niệm tuổi thơ không thể quên đối với lứa tuổi 7X của chúng tôi. Hồi đó nội tôi mở lò tráng bánh thuê. Nội tráng khéo nên người đặt hàng đông lắm. Nội thường phải ưu tiên cho khách trước rồi bánh nhà thì có khi đến tận 24, 25 Tết mới tráng được. Nguyên liệu tráng bánh như bột gạo xay + đường + dừa là khách tự bỏ ra. Nội sẽ lo phần củi và tiền củi sẽ được tính vô tiền công tráng bánh luôn.
Bánh được tráng trên một cái nồi hơi nước xong sẽ được trải cẩn thận trên tấm vỉ bằng lá dừa rồi đem phơi. Tôi hồi đó sẽ được nội phân công đi giữ gà, xua cho tụi nó đừng có đến mổ trộm làm thủng bánh. Nội sẽ thưởng cho tôi cái bánh cuốn nóng hổi, trong đó được cuộn xác dừa rám béo ngậy, rải thêm chút đường và chút đậu phộng rang giã nhỏ. Vị dai và ấm của bánh cộng với vị béo của dừa, vị ngọt của đường, vị bùi của đậu phộng trở thành một món ăn ngon không thể tả. Đặc biệt là món này mỗi năm chỉ ăn được một lần thôi nên nó càng ngon!
Đến 20 Tết là đến ngày tảo mộ. Ở quê tôi người ta không gọi là tảo mộ mà là giãi mả. Như gia đình tôi sống trên mảnh đất của ông bà để lại. Hồi chiến tranh vườn nhà tôi cũng là một khu căn cứ cách mạng, rất nhiều chiến sỹ trong dòng họ khi hy sinh được đưa về chôn ở mảnh đất này. Hòa bình rồi con cháu muốn người đã mất được nằm trên mảnh đất ông bà cho ấm cúng nên không đưa về nghĩa trang.
Trong khuôn viên vườn nhà tôi có khoảng 30 ngôi mộ nên đến ngày 20 Tết con cháu tụ về quét dọn mộ cho ông bà rất đông. Có một cây chổi mà ba tôi để dành để quét dọn mộ hàng năm cho ông bà. Quét xong thì ba cất trên gác nhà để không lẫn với mấy cây chổi quét nhà khác. Sau khi dọn mộ xong thì mọi người xúm lại ăn uống. Có những gia đình ở rất xa Tết không có điều kiện về, tảo mộ là dịp về thắp hương ông bà và gặp gỡ anh em luôn.
Tảo mộ xong thì đến 25 Tết là ngày tát đìa ở nhà tôi. Khu đất gia đình tôi gồm 15 công đất, có rất nhiều ao đìa tự nhiên cộng thêm mấy cái lổ bom hồi chiến tranh chống Mỹ để lại. Đầu năm ba tôi thả nước cho vào đầy ao rồi thả rau lục bình cho thiệt êm. Cá thấy chỗ êm ái lý tưởng thì theo ống bọng nước bơi vào và định cư lại luôn. Đến hết năm thì cả nhà chúng tôi xúm lại tát đìa bắt cá lên ăn Tết.
Ao đìa nhiều nên nhà tôi phải rủ nhiều anh em trong họ đến tát chung. Cá bắt được chia nhau cho anh em về làm mâm cơm rước ông bà ngày 30 chứ không có bán. Năm nào chúng tôi cũng bắt được rất nhiều cá: cá lóc, cá trê, cá rô mề… Và cuối buổi tát đìa thì không thể thiếu nồi cháo cá thơm lừng ăn kèm với rau đắng đất trong vườn, nhâm nhi vài xị đế trước khi chia tay.
Sau 25 Tết thì gian bếp nhà tôi sẽ luôn đỏ lửa. Năm nào tôi cũng làm một chảo mứt dừa dẻo để đãi khách, khèo chuối khô. Phi vài hủ hành giòn rụm để dành cho thằng Năm em tôi về ăn. Ngoài vườn cải đã xây tròn nụ, Má tôi nhổ vô để làm dưa cải. Da heo mua về xắt thiệt mỏng để gói bì. Rồi dưa kiệu, dưa rau muống, củ tỏi ngâm… Ở nhà trên thì Ba với thằng Út lau dọn nhà cửa, quét mạng nhện trên trần nhà, chùi bộ lư cho thiệt bóng…

30 Tết ngày rước ông bà. Mâm cơm rước ông bà của nhà tôi luôn có món canh khổ qua hầm, thịt kho hột vịt, cá rô mề nướng dầm nước mắm gừng. Sau khi cúng ông bà xong, ba tôi sẽ cùng với các chú trong xóm đi đốt nhang cho từng nhà. Bắt đầu là nhà chú Hai Mần đầu xóm, chú Hai sẽ sang nhà chú Chín Lớn thắp hương ông bà, uống ly rượu rồi rủ chú Chín sang nhà ông Út… Cứ thế đoàn người ngày mỗi đông cho đến hết 15 căn nhà trong xóm xong thì quay về, đến nhà ai thì chia tay người ấy. Má tôi thì ở trong nhà lắng tai nghe coi mấy ổng đi đến đâu rồi. Rồi nghe tiếng cười của từng người mà Má đoán là người ấy đã xỉn chưa hay còn tỉnh hihi…
Tôi quét dọn lại nhà cửa một lần nữa cho sạch sẽ vì vào ngày đầu năm nhà tôi sẽ kiêng quét nhà. Khoảng sân trước nhà, bên hông và sau nhà cũng sạch bóng rồi. Kế đến là bơm đầy các lu nước trong nhà, hủ gạo và mắm muối gia vị cũng phải đầy với mong ước một năm mới sẽ tròn đầy. Ba chọn cắt hai nhánh mai đẹp nhất, đem đốt gốc cho mai mau nở rồi cắm vào hai cái lục bình lớn chưng giữa nhà.

Ngoài kia tiếng trống múa lân vang lên, đoàn múa lân sắp đi ngang nhà tôi. Tôi nhìn hàng mai của thằng Út đang chúm chím nụ, chỉ một đêm nữa thôi, sáng mai là hoa sẽ nở. Xuân đã thực sự về với chúng tôi rồi. Xin chúc mọi người dân quê tôi một năm mới bình an, phát tài phát lộc, vạn sự như ý!